Việc làm nổi bật Võ_Xuân_Cẩn

Thi hành phép quân điền tại Bình Định

Năm Mậu Tuất (1838), Tổng đốc Bình Phú Võ Xuân Cẩn tâu:

Tỉnh Bình Định ít ruộng công mà ruộng tư nhiều gần đến gấp bốn lần, kẻ cường hào giàu có kiêm tính cả, mà người nghèo không trông nhờ vào đâu...Nay phàm ruộng tư cứ 5 mẫu làm hạn, còn thừa bao nhiêu thời làm ruộng công, phân cấp cho dân, để làm lương điền khẩu phân. Nhà vua dụ: Việc ấy chắc nhiều người không bằng, e khó làm được.

Năm sau, ông về Kinh triều yết, nhà vua lại hỏi tới việc chia ruộng đã trình bày trước, ông thưa rằng:

Tỉnh Bình Định đất tốt, nhà làm một năm gặt hai mùa, nhưng phần nhiều bị kiêm tính cả, người nghèo không có một thước, một tấc ruộng nào, nay nếu kiểm xét lấy ruộng của người giàu ra, chỉ để lại cho 1, 2 phần làm thế nghiệp, số còn thừa ra, lấy cấp cho nhân dân, thì họ nghèo có chỗ trông nhờ, mà lợi của đất mới được đều vậy.

Lần này, nhà vua giao xuống cho bộ Hộ bàn kỹ lại...Tháng 7 (âm lịch), sau khi đọc lời nghị của đình thần, vua Minh Mạng sai ông và tham tri bộ Hộ Doãn Uẩn đi đến Bình Định làm phép quân điền. Đến tháng 10 (âm lịch) năm ấy thì việc xong, Võ Xuân Cẩn được nhà vua khen thưởng một cấp trác dị [3].

Đề cập đến việc làm này của ông, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu viết:

Quân điền ở Bình Định quả là sự nghiệp "trác dị" của Võ Xuân Cẩn, song cũng là công trình tập thể của vua quan – những người lãnh đạo đương thời. Quân điền ở Bình Định coi như ổn định từ 1840 đến 1945, mặc dầu có phải sửa sai, vì đôi chỗ còn kiện cáo tranh tụng [4].

Dâng sớ xin gia ơn...

Năm Tự Đức thứ nhất (1848), tháng 3 (âm lịch) Võ Xuân Cẩn dâng sớ xin gia ơn cho con cháu Anh Duệ thái tử (tức Nguyễn Phúc Cảnh), lại dâng sớ xin bổ dùng con cháu Nguyễn Văn Thành, Lê Văn Duyệt, Lê Chất. Trong sớ có câu rằng: Cứ theo án đã thành, thì tội không thể chối được, nhưng xét về nguyên nhân phải tội, thì tình còn có thể thương được.

Vua nghe rất cảm động, và đều cho thi hành cả [5].